Breaking News
Loading...
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Xuất thân:
Đào Tấn (1845 - 1907) tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (tức 3 tháng 4 năm 1845), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn.
Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.
http://nguoidanxunau.blogspot.com/
Đào Tấn
Sự nghiệp: 
Thuở nhỏ, ông thọ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện); không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn Tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.
Năm 23 tuổi, ông đỗ thứ 8 Cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi hội tiếp theo đó
Mãi đến bốn năm sau, năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.
Năm 1874, ông đư­ợc bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch sau thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên. Làm quan suốt 3 triều, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871 - 1904), ông kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 vì chống đối với đại thần Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn.
Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quí. Ông qua đời ngày 23 tháng 8 năm 1907. Hiện có ngôi mộ và đền thờ ông ở Bình Định.
Những cống hiến cho nghệ thuật "Tuồng":
Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật Tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến dầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật Tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.
http://nguoidanxunau.blogspot.com/
Nghệ Thuật Tuồng
Đào Tấn đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật Tuồng mang tên Học bộ đình và ở làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở Tuồng của ông và đào tạo những nghệ sĩ Tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Ông là tác giả tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút. Đặc biệt, ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng vẫn được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế như: Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan Công quá quan, Tân Dã đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trầm hương các, Khuê các anh hùng và nhuận sắc phong một số vở như Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Ngũ hổ Bình Tây và Nguyệt cô hóa cáo...Có thể nói trong lịch sử Tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất và ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc Tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu Tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn” Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
Ngoài ra, Đào Tấn còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ như: Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai tử lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao viết bằng chữ Hán...Nói chung, di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp.
Để tỏ lòng biết ơn và trân trọng với công lao to lớn của ông đối với nghệ thuật Tuồng Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương và Nhà hát tuồng Đào Tấn, đã đầu tư kinh phí tu bổ và nâng cấp mộ của ông tại núi Hoàng Mai xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, thành khu lăng mộ khang trang. Mộ được xây dựng hình chữ nhật dài 3 m và rộng 2m, có bờ bao quanh cao 0,8 m; phía trước mộ có bia đề ngày lập mộ, trước nữa là bức bình phong làm tiền án và phía ngoài mộ là một vòng tường bao dài 10 m, rộng 6 m, trước có trụ cổng đề đôi câu đối của Hà Đình tướng công, lưng có bình phong kiểu cuốn thư, 2 bên cổng và 2 bên cuốn thư được tạo dáng đuôi vểnh lên trên...Nơi đây, xưa là cả một rừng hoa, dưới là dòng sông Tranh quanh năm nước chảy, xa xa là cụm tháp Bánh Ít cổ kính, phong cảnh ấy, kiến trúc mộ phần ấy đã toát lên tính cách cương trực, cuộc sống thanh bạch, tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ của con người Đào Tấn.

1 nhận xét: